Nguyệt San Số 2


Tác giả: HVT
Thể loại: But ký  

Lời người viết: Vì tính chất vô cùng riêng tư và nhạy bén của câu chuyện, người viết hoàn toàn đồng ý với nhân vật chính của câu chuyện rằng những sự kiện và diễn tiến được giữ nguyên, nhưng yếu tố địa danh, thời gian, đơn vị v.v... chung quanh hai nhân vật chính đã phải thay đổi rất nhiều nhằm tôn trọng đời sống riêng của họ. Ví dụ ngôi chùa đó có thể không phải ở Bồng Sơn v.v...

Chỉ còn mấy ngày nữa là ngày 30 Tháng Tư năm 2009. Như nhận xét của nhân vật trong câu chuyện, ngày đánh dấu một trận đánh mà QL/VNCH đã thua trong cuộc chiến đấu của toàn dân để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, thanh bình, thịnh trị. Nhân ngày lịch sử ấy, qua bài viết này, thành kính tri ân tất cả những anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân.
Sau mười sáu giờ bay từ phi trường Pudong, Shanghai, chiếc Boeing 777 vừa chạm bánh phi trường O'hara đúng 3 giờ sáng, mười lăm phút sớm hơn dự trù. Hôm nay trời gió mạnh hơn mọi khi tại thành phố mệnh danh Windy City. Chiếc may bay gần 400 chỗ ngồi do một captain phụ nữ Hoa Kỳ điều khiển lảo đảo vào cận tiến. Hàng bánh đáp bên phải chạm mặt phi đạo trước, rồi đến hàng bên trái. Sau mấy năm phục vụ ở không quân Việt Nam vào thời chiến tranh cho tôi biết gió ngang từ bên phải ngày hôm ấy mạnh thật. Máy bay phải nghiêng bên phải để giữ hướng đáp. Cuối cùng bánh lái mũi chạm phi đạo, giọng người tiếp viên hàng không: “Welcome to the Windy City,” hầu như tất cả hành khách, vỗ tay để cám ơn phi hành đoàn đã đưa chiếc 777 xuống đất an toàn.
Tôi phải lấy một chuyến bay nữa để về Philadelphia. Thủ tục của những chuyến bay quốc ngoại khi vào đến Hoa Kỳ là phải lấy hành lý, thông qua thủ tục của custom services, rồi lại check in trở lại. Lần trước, tôi chỉ có một giờ layover. Tôi vừa đi vừa chạy để lên chuyến bay kế tiếp về Philadelphia. Nhân viên hàng hàng không sửa soạn đóng cửa thì thấy tôi hối hả chạy đến với boading pass trên tay: “You are luck, we are about to close the door”. Một chuyến khác hơn hai tháng trước đó, phi vụ về Philadelphia của tôi bị hủy bỏ, chỉ còn một chuyến trong đêm, nếu không có chỗ chuyến này thì phải chờ đến phi vụ đầu tiên vào 7 giờ sáng hôm sau. “I can have your bags, you have to go to the United Airline counter right there (pointing her finger) to confirm your seat of your next flight. We will be informed your next flight”. Nhân viên hãng United nhận hành lý của tôi kèm lời hướng dẫn. Xui, nhưng cũng may hôm đó là tôi có chỗ cho chuyến bay 8 giờ 30 tối cùng ngày. Về đến nhà thật khuya nhưng cũng trong ngày. Tôi không hiểu sao tôi lại mong về nhà sớm trong một căn nhà vắng vẻ đã gần ba năm nay.
Lần này, tối có hai giờ layover nên yên tâm, thong thả qua các thủ tục. Nhưng, chuyến bay năm giờ sáng của tôi bị hủy bỏ, nên cũng phải đợi chuyến 8:30 sáng. Vậy là phải chờ hơn năm giờ nữa. Tôi báo cho limo service do công ty tôi contract số phi vụ mới và dự trù giờ đáp ở Philadelphia. Sách vở đã đem theo, đọc để giết thời gian.
Tấm bảng hàng chữ đỏ hiện lên, cho biết chuyến bay trước tôi cũng cùng gate này đi Denver vào lúc 7:30 sáng. Khoảng sáu giờ, hành khách chuyến bay này lần lượt đến. Một cặp vợ chồng người Á Ðông trạc tuổi tôi đến ngồi cùng hàng ghế. Anh chồng mang kính đen, chị có dáng xinh xinh của một nhà giáo, hay hiền hòa kiểu “các mệ” ở Huế. Anh ta bỏ cái xách nhỏ lên cái ghế trống giữa tôi và anh. Tôi vẫn tiếp tục đọc sách, nhưng tai và đầu góc đang tò mò nghĩ về hai người bên cạnh có vẻ giống người Việt.
A! Họ là người Việt lại nói giọng Huế cả hai. Tôi nói thầm khi nghe họ nói chuyện.
Tôi không biết họ, họ chẳng quen tôi, nhưng ba điểm đã làm tôi cảm thấy gần gũi họ, người Việt Nam, người Huế, anh ta chắc phải ở trong quân đội, vì tuổi tác có vẻ bằng tôi. Tôi tìm cách làm quen:
- Xin lỗi anh, nhờ anh trông giùm cái xách này, tôi cần vào toilet.
- Vâng, anh để đó tôi trông cho.
Tôi chỉ có cái xách nhỏ, đựng cái laptop với mây cuốn sách. Thường thường, tôi kéo nó đi theo. Tôi đẩy cái xách sang cái ghế cạnh anh và vào toilet.
Lúc trở về tôi cám ơn và bắt tay anh:
- Tôi là Th. Tôi chờ máy bay đi Philadelphia, chắc anh chị đi Denver.
- Dạ, vâng. Tôi là Hùng, anh Th.
- Tôi mời anh chị ly cà phê nhé. Tôi hỏi.
- Anh để tôi.
Chị trả lời: Tôi không uống cà phê anh ạ.
- Xin lỗi anh Th. vợ tôi là Thanh. Anh Hùng cho biết.
Tôi nhìn sang ghế cạnh:
- Chào chị! Vậy mời chị ly nước nhé. Và tôi bỏ đi để họ không có cơ hội từ chối. Tôi trở lại với hai ly cà phê, một chai nước với ba cái muffin. Anh Hùng lấy cái xách nhỏ trên ghế, một cách gián tiếp mời tôi ngồi xuống cái ghế cạnh anh:
- Anh cũng người Huế ạ?
- Dạ vâng, Tôi trả lời.
- Cha mẹ tôi người Huế, nhưng đã dời vào Ðà Lạt lâu rồi. Tôi ra hành quân ngoài đó nhiều lần, nhưng không rành Huế lắm. Anh Hùng cho biết.
- Vậy anh là đơn vị tổng trừ bị trước đây?
- Vâng, Biệt Ðộng Quân. Anh trả lời.
Anh Hùng hơn tôi hai tuổi. Chúng tôi trao đổi về đời sống quân ngũ trước 1975. Anh xuất thân trường Võ Bị Ðà Lạt. Cấp bậc cuối cùng là Ðại Úy. Gia đình anh sinh sống ở Denver từ ngày rời Việt Nam vào năm 1992.
Từ Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972, anh Hùng tham gia nhiều trận đánh ở các quân khu, nhiều nhất là vùng cao nguyên trung phần Việt Nam. Tôi lắng nghe anh kể lại những trận đánh nổi bật một cách đam mê. Anh bị thương nặng, nhẹ nhiều lần. Cuối cùng anh kết luận:
- Tôi ra trường vào dịp Mậu Thân 1968, có trận tổn thất nặng, nhưng chưa thua một trận nào. Trận tôi thua là khi cả nước thua và tôi bị bắt. Tụi nó đánh tồi lắm, chỉ biết thí quân. Tụi nó xâm lăng Miền Nam, nếu mình đưa quân ra Bắc thì mình thắng tụi nó lâu rồi anh ạ. Nhưng lãnh đạo Miền Nam cũng hèn, và thối nát, nên chưa chắc tụi Mỹ đã để cho mình làm. Anh biết bao nhiều tướng tài giỏi, khí phách của mình tụi nó tìm cách trừ khử cả, chỉ còn “quý vị ngoan ngoãn”. Họ dùng những người như vậy để dễ bảo, và để có lý do giải thích với công luận Mỹ rằng, tụi mình đánh giặc tồi phải cần quân đội của họ, mà thật sự họ gởi quân sang Việt Nam không phải để thắng Việt cộng mà để kiểm soát cường độ, và chiều dài cuộc chiến. Anh để ý chữ họ dùng vào năm 1969, cũng thấy rõ điều đó. Ấy là kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon (Vietnamization). Có nghĩa là trước đó là American War. Họ muốn làm gì thì làm. Họ xem thường mình lắm. Cũng bởi lãnh đạo của mình hèn anh ạ. Nhưng khi họ Việt Nam hóa chiến tranh thì đồng thời họ cắt viện trợ. Họ phủi tay.
Tôi ngắt lời anh Hùng: Anh về Việt Nam lần nào chưa?
- Chưa anh ạ. Từ ngày tôi rời nước, tôi đã thề là khi nào còn chế độ cộng sản tôi sẽ không trở lại Việt nam.
- Tôi vượt biên vào năm 1980, tôi cũng thề như anh vậy đó, nhưng đến khi ba mẹ tôi qua đời cũng không giữ được lời thề anh ạ. Tôi kể chuyện mình.

Tình đồng đội

Sau lời phân trần của tôi, anh Hùng lặng đi một chút để lấy giọng trả lời:
- Ba tôi mất vào năm 1998, mẹ tôi mất vào năm 2005. Cả hai lần tôi đều nhờ vợ tôi về cả.
Tôi chờ anh Hùng nói tiếp, nhưng chữ cuối cùng như bị nghẹn lại ở cổ họng anh. Tôi ngước nhìn khuôn mặt anh, đôi môi mấp máy. Anh Hùng đưa tay lên che miệng nắn bóp hai bên má như cố ngăn chận một cảm xúc. Ngước nhìn khuôn mặt anh Hùng lúc này tôi không thể hình dung được đây là một Ðại Úy đại đội trưởng của một đơn vị thiện chiến của QL/VNCH qua những trận đánh ác liệt, hào hùng tôi vừa nghe, mà là một người bằng xương bằng thịt đang đối diện với một vấn đề lương tâm. Tôi nghĩ thầm chắc anh ân hận đã không về đưa tiễn ông bà cụ thân sinh vào ngày cuối đời của họ. Tôi chống hai tay lên cằm cúi đầu, chờ đợi và lặng lẽ san sẻ cảm xúc ấy của anh Hùng. Tôi cảm thấy hối hận đã nói cho anh Hùng rằng tôi đã phản bội lời thề vì tình cha con, mẫu tử, nên tôi vẫn im lặng, và tiếp tục im lặng. Tôi liếc nhìn tay trái chị Thanh đang bóp lên đùi anh Hùng như an ủi chồng mình. Anh Hùng lấy lại giọng:
-Anh Th. Anh cũng là lính, chắc tôi... chắc tôi...
Chị Thanh lắc mạnh đùi anh Hùng như là một dấu hiệu gì đó tôi không đoán được. Anh Hùng quay đầu nhìn sang vợ mình, và đặt tay lên nắm lấy bàn tay của chị, Anh quay đầu lại về phía tôi và tiếp:
- Anh cũng là lính, nên tôi kể cho anh chuyện này để anh thấy lý do quyết định của tôi. Xét riêng là chuyện thâm cung bí sử, nhưng xét chung thì cũng liên hệ những người lính như anh với tôi. Xin anh giữ riêng cho mình anh. Tôi không hiểu sao tôi lại kể cho anh.
-Vâng! Tôi hứa với anh.
Chị Thanh đứng dậy đi về hướng toilet.
Tôi ngơ ngác đăm chiêu nhìn anh Hùng, và anh kể tiếp.
- Ở Bồng Sơn có một vị sư già trù trị một ngôi chùa. Vào khoảng năm 1964, vị sư này nhận nuôi một cô gái mười hai tuổi khi cha mẹ cô và hai người em chết trong một đợt pháo kích của Việt cộng. Tôi là Phật tử nên mỗi lần có lệnh hành quân trong vùng tôi thường ghé chùa lễ Phật và cầu nguyện cho bản thân cũng như đơn vị mình gặp may mắn trong các cuộc hành quân.
Từ năm 1972 về sau, đơn vị tôi thường hành quân trong khu vực này, vì sự gia tăng áp lực của địch trong lãnh thổ quân khu II. Chùa có hai ni cô, một người khoảng trên ba mươi và ni cô Huyền Thanh (HT) khoảng hai mươi. Hình như theo sự phân công của sư ông, ni cô HT lo việc nhà bếp, và cái vườn nho nhỏ trồng rau bên ngoài. Ni cô lớn hơn lo việc bên trong chùa. Mỗi lần thăm chùa sau khi lễ Phật tôi đều giúp ni cô HT bửa củi, hay xách nước từ giếng đổ đầy vào vại, có khi phụ giúp làm vườn, tưới rau v.v... vì thấy một ni cô trẻ, mảnh mai phụ trách công việc của đàn ông. Tôi có vẻ quan tâm:
- Ni cô không thấy nặng nhọc công việc của đàn ông này ạ?
- Mô Phật! thưa ông, tôi xin sư ông cho tôi làm những chuyện này, và tôi cũng đã quen những công việc này rồi.
Mỗi lần đến giúp ni cô, tôi đều được ni cô cho ăn cơm chay. Món ăn quanh quẩn tương, chao, rau luộc, đậu hũ, v.v...:
- Mời ông dùng bữa. Và để tôi ngồi ăn một mình.
- Hầu hết những lần trở lại vùng này, tôi đều ghé chùa lễ Phật hoặc gởi anh em trong đơn vị mình đến giúp chùa. Sau vài lần hầu chuyện với sư ông, tôi cho ngài biết vị trí và trách nhiệm của tôi với đơn vị mình. Ngài nói:
- Thầy mong đơn vị của con đừng rời làng này.
- Bạch thầy, con chỉ làm theo lệnh trên. Tôi thưa.
Những lần hành quân ở các địa danh khác, hay những lần nằm quân y viện không đến thăm chùa dược, tôi đều gởi thư về chùa vấn an sư ông và hỏi thăm ni cô HT, lời lẽ quan ngại một ni cô mảnh khảnh phải trông nom công tác nặng nhọc của chùa. Tôi không bao giờ nhận được thư trả lời. Chỉ có một lần duy nhất khi tôi bị thương nặng và nằm quân y viện khá lâu. Một ngày trước khi xuất viện, tôi nhận thư từ ni cô HT với một hàng chữ giản dị: Chúc ông chóng bình phục.
Một dịp hành quân khác tôi trở lại chùa và sau khi lễ Phật xong, sư ông từ sau điện bước ra:
- Thầy có điều muốn nói với con, thầy cám ơn con và đơn vị của con đã đến giúp chùa và bảo vệ an ninh cho làng. Ni cô HT nhờ thầy biếu con kỷ vật này.
Sư ông nâng hai tay cầm vòng xâu chuỗi hạt, và tôi cúi đầu để ngài cho vào cổ tôi và giấu sau vành cổ áo rằn ri. Tôi chắp tay xá ngài. Ngài chắp tay nói tiếp:
- Với xâu chuỗi này, mong Trời, Phật độ trì cho con và đơn vị con được tai qua nạn khỏi để lo việc cho dân.
Tôi chắp tay xá: Con và anh em trong đơn vị đa tạ thầy.
Ngài quay lui sau điện. Tôi quay ra phía trước và bước ra khỏi điện Phật, hướng về vườn rau, ni cô HT đang tưới rau. Tôi làm ni cô giật mình:
- Cám ơn ni cô đã nghĩ tới tôi và anh em trong đơn vị. Vừa nói tay tôi vừa kéo xâu chuỗi hạt ra khỏi cổ áo.
- Mô Phật! không dám, bần tăng chỉ mới đáp được một phần rất nhỏ của những gì ông lính và đơn vị ông đã giúp chùa.
Tôi hỏi ni cô về mấy lá thư tôi gởi. Ni Cô cho biết:
-Mô Phật! tôi nhận thư ông nhiều lắm. Không dám, tôi để trong điện Phật.
Ni cô đồng ý để tôi giúp bửa đống củi bên cạnh trước khi ra về.
Ðầu thu năm 1974, tôi bị thương nặng, hai vai và cổ bị nhiều vết đạn AK trong một trận đánh khốc liệt ở Dakto. Ðại đội phó của tôi phải thay quyền chỉ huy đại đội, nhưng cuối cùng chúng ta đã thắng. Tôi không hiểu xâu chuỗi ấy đã che chở hay không, mà những lằn đạn chỉ cắt làn da hai bên cổ mà không đi vào những nơi nguy hiểm. Bác sĩ cho là tôi may mắn quá.
Xuất viện, tôi về nhà cha mẹ nay đã dời vào Sài Gòn, và nghỉ phép một tuần.
Mùa Ðông năm 1974, đơn vị tôi được lệnh trở lại Bồng Sơn trong một cuộc hành quân lớn, phối hợp với các đơn vị cơ hữu của quân khu II. nhằm giải tỏa áp lực của địch mà Bồng Sơn đã chịu gần hai tháng qua. Chúng tôi quần thảo với địch gần ba tuần. Trận này cả tiểu đoàn chúng tôi tham chiến. Ðại đội tôi bị thương khá nhiều nhưng thương vong rất ít so với xác cộng quân la liệt ở bãi chiến trường.
Tình hình đã lắng dịu, tôi lên chùa vấn an sư ông và xem xét sự hư hại của chùa. Bước vào cổng chùa đã thây ngay khung cảnh một phần của bãi chiến trường, nhiều cây cối bị bom cắt đứt, nghiêng ngả, nhiếu vết đạn loang lổ trên tường. Nhìn qua vườn rau thì không còn nữa mà thay vào đó cái hố bom.. Tôi run rẩy lên khi nghĩ đến sự an toàn của ni cô HT. Tôi chạy ngay vào điện Phật gặp sư ông đang ở đó, tiếp tôi với vẻ không vui như mấy lần trước:
- Thầy mừng gặp lại con và thấy con được bình yên.
Tôi đáp lời ngài: Thưa thầy ni cô HT có sao không?
- May mắn con ạ, chùa chỉ thiệt hại về vật chất nặng thôi. Khi họ đến đây, họ bắt hai ni cô đi dân công. Thầy đã già và yếu, thầy xin với họ mãi đến hai tuần sau họ mới cho về.
Tôi kiếu từ sư ông và quay người bước ra khỏi điện Phật, nhìn hố bom mà ni cô HT thường ra chăn bón, tôi nửa vui nửa buồn. Nhìn qua giếng thấy ni cô đang xách nước, tôi hớt hả chạy nhanh đến đó:
- Tôi mừng cho ni cô được bình an.
- Mô Phật! ni cô trả lời gọn lỏn, không vui như mọi khi.
Tiểu đoàn tôi đang có mặt trong vùng nên tôi xin vị tiểu đoàn trưởng cho phép đại đội tôi lên chùa giúp.
Tháng Giêng năm 1975, đơn vị tôi được gởi vào hành quân ở lãnh thổ quân khu III quanh Sài Gòn. Cũng như mọi lần, trước khi lên đường tôi lên thăm chùa, và thăm ni cô HT. Tôi mừng là anh em trong đơn vị đã giúp chùa sửa chữa những thiệt hại khá nhiều. Ni cô HT mời tôi ở lại dùng cơm trưa với sư ông trước khi ra về.
Sau khi phi trường Phụng Dực thất thủ vào đêm 10-3-1975, đơn vị tôi lại được đưa trở lại quân khu II. Oan nghiệt thay, lệnh tái phối trí và rút quân hỗn loạn vào Tháng Ba. Tôi đến chùa đề nghị sư ông di tản. Ngài đồng ý và đưa hai ni cô lên xe theo chúng tôi. Ðại đội tôi về đến Vũng Tàu còn lại hơn một nửa. Ấy là vào tuần lễ thứ hai của Tháng Tư đen.
Tôi yêu cầu anh em còn lại cố gắng ổn định tinh thần vài hôm, chờ tôi tìm phương tiện về Sài Gòn trình diện bộ chỉ huy. Sau khi tìm được phương tiện, tôi đến trại thăm sư ông và ni cô. Tôi chỉ gặp ni cô HT một mình trong trại. Nhìn tôi, ni cô nghiêm nét mặt:
-Ông Hùng...
Ni cô chỉ gọi được chừng đó thì nước mắt trào lăn xuống má. Hai môi nửa mím nửa mở, muốn thốt một lời rằng cô cũng yêu tôi chăng (?!).Tôi muốn đến ôm ni cô vào lòng thì bộ áo nâu ni cô mặc đã ngăn tôi lại. Ni cô cố gắng hé môi trong nghẹn ngào:
-...Ông Hùng, ông nhớ năm ngoái... khi tôi bị bắt đi làm dân công,... họ hiếp tôi... và hình như tôi đang có thai.
Ngôn từ chưa ra khỏi môi bị ngắt khoảng từng đoạn vị tiếng khóc nức nở.
Vừa xong câu nói, hai tay ni cô ôm lấy mặt mình, nấc lên thành tiếng, thân người khom lại như sắp ngã về phía tôi. Cả người tôi run lên, chạy đến ôm cả người ni cô vào lòng lúc nào không hay. Tôi muốn kiểm chứng thính giác của mình:
- Em có thai ạ?
Huyền Thanh gật đầu trên vai tôi đang ước vì nước mắt của nàng.
- Tôi siết mạnh hai nắm tay, cố nín nhưng nước mắt vẫn tuôn, cổ họng tôi đắng nghét. Tôi muốn nguyền rủa chính mình, nhưng không thốt nên lời rằng mình là thằng lính hèn nhát, vào sinh ra tử biết bao nhiêu lần, bao nhiêu chiến công, huy chương đầy trên trên ngực áo vào ngày Quân Lực, vậy mà không bảo vệ được người mình yêu. Tôi yêu nàng từ ngày mắt tôi va chạm ánh mắt nàng từ buổi đầu gặp gỡ. Sao tôi không can đảm đưa nàng ra đi trước ngày tội lỗi ấy. Hay là tình yêu tổ quốc đã dồn hết vào đỉnh đầu ruồi, mũi lưỡi lê, vào những lần đối diện với cộng quân, nên tình yêu cho em mất đi nghị lực (?!).Sao tôi không thưa thẳng với sư ông rằng tôi yêu nàng với tất cả trái tim của thằng con trai mới lớn. Tôi sẽ giải thích cho sư ông rằng ngài đã đưa cô bé mười hai tuổi bơ vơ không cha mẹ vào chùa, thì tôi là người sẽ tiếp tay ngài đưa nàng đến hết cuộc đời này. Tình yêu ấy mà! Sao tôi đã im lặng trong nhiều năm để nay nàng phải đau khổ (?!)Tôi phải làm gì bây giờ để chứng tỏ tôi yêu nàng mà trong những lá thư trước, vì bộ áo nâu, chiếc khăn che đầu màu nâu, và vì khung cảnh thiền tự tôi đã phải giấu diếm rất nhiều cảm xúc của tôi với nàng (?!).Ðức Phật rời bỏ cung vàng điện ngọc cũng chỉ để tìm một chân triết lý mưu tìm hạnh phúc cho chúng sinh kia mà. Bao nhiêu ý tưởng nhảy múa lung tung trong đầu sau lời thú thật của Huyền Thanh.
Tôi cố lấy lại bình tĩnh đủ để nói nhỏ vào tai nàng:
- Anh là một thằng lính hèn trong tình yêu.
Lời, pha lẫn tiếng khóc, Huyền Thanh mấp máy đôi môi:
- Không! .. Không!... Không phải lỗi anh. Anh không hèn!
Có tiếng chân người bước vào. Tôi quay người với đôi mắt chưa kịp khô chạm phải đôi mắt hiền lành của sư ông.
- Thưa thầy con muốn gặp thầy.
- Con có điều gì cho thầy biết.
- Huyền Thanh đang mang thai, thưa thầy. Hai tuần đi dân công Mùa Ðông năm ngoái bị chúng nó hiếp. HT mới thú thật với con. Con xin thầy cho con được cưới HT làm vợ.
-Mô Phật! Sư ông chắp hai tay cúi đầu trông chốc lát như dành thời gian suy nghĩ về một quyết định lớn, rồi tiếp:
-Mô Phật! tâm con đã như vậy thì con sẽ được toại lòng.
Sư ông tiến gần về phía hai người, tay phải sư ông nắm lấy bàn tay trái tôi. Tay trái ngài nắm lấy bàn tay phải HT đưa lên ngang tầm mắt:
- Tình hình quốc gia đang hồi nghiêm trọng, thầy chúc hai con hạnh phúc.
Ấy là lễ cưới của chúng tôi vào một ngày Tháng Tư năm 1975.
Anh Hùng tiếp lời:
- Thưa thầy, ngày mai đơn vị con sẽ về Sài Gòn nhận lệnh mới, xin thầy chuẩn bị trong đêm nay.
Về đến Sài Gòn, tôi đưa HT đến ở lại nhà người cô ở cư xá hải quân, và đưa sư ông và ni cô kia về viện Hóa Ðạo. Tôi đưa đơn vị về bộ chỉ huy để nhận lệnh hành quân mới. Ngày 1 tháng 5 năm 1975, tôi bị bắt và đưa vào trại tập trung cho đến năm 1985 mới được thả. HT đã theo gia đình người cô của tôi lên tàu hải quân sang Phi Luật Tân, Guam, rồi Hoa Kỳ”.


Những ngày cuối cùng của VNCH

Năm 1975, chị Huyền Thanh đến Hoa Kỳ vào tuổi hai mươi ba, mang theo một bào thai bất đắc dĩ, cùng với tâm trạng hoang mang không biết người chồng mới cưới trong một lễ cưới vô cùng giản dị ra sao.
Năm 1992 chị đã đoàn tụ được với chồng. Lúc này, Hùng đã 46 tuổi và chị đã 40 nên hai người quyết định không có con thêm. Ni cô HT ngày nay hành nghề dược sĩ. Cậu con trai năm nay đã 34 tuổi, là bác sĩ y khoa. Hai vợ chồng trên đường về lại nhà sau khi ghé thăm vợ chồng cậu con trai mới có cháu trai đầu lòng.
- Thử tưởng tượng anh bắt gặp thằng khốn kiếp kia... Tôi vừa hỏi anh Hùng vừa gián tiếp trả lời.
Anh hùng hiểu ý:
- Nếu hồi đó tôi bắt được nó chắc chắn tôi không tha. Nhưng, bây giờ anh thấy đó, đâu phải một người, một cá nhân nào, mà cả mấy triệu người trong cái tổ chức gọi là đảng Cộng Sản Việt Nam đó. Với chủ nghĩa của họ, họ phát triển trên cùng một căn bản đạo lý là vô đạo đức, vô gia đình, vô thần. Nếu có loại, phải loại nguyên cả cái tổ chức ấy. Anh loại một người cũng không đem lại kết quả gì mà chỉ mang thêm tiếng ác vì hành vi của mình không mang đến kết quả tốt đẹp nào cả. Chế độ mà chúng ta đã đem xương máu ra bảo vệ, nhìn nhận giá trị của vai trò tôn giáo để hướng thiện con người, tránh mọi cám dỗ đê hèn. Vậy mà vẫn còn bẩn thỉu. Chế độ cộng sản phủ nhận vai trò tôn giáo, nên người cộng sản càng ngày càng tha hóa, mất nhân tính. Vì thế, tôi không về Việt Nam là vậy.
Biết đâu anh (anh Hùng ngừng một lát), biết đâu anh, hắn là một trong những cái xác mà công binh phải chôn ngày đó. Biết đâu anh, viên đạn kết liễu đời hắn lại từ nòng súng của tôi. Nhìn lại cuộc chiến thật phi lý.
Hùng ngừng một lát, tôi vẫn chống tay lên cằm lắng nghe. Anh tiếp:
- Sau ngày cưới vợ cho đến ngày cuối cùng của miền Nam, vợ tôi chưa có dịp gặp cha mẹ tôi. Bà đã về Việt Nam vài lần trong thời gian ông bà cụ tôi còn khỏe mạnh, và khi bệnh cũng như lúc lâm chung. Tôi yêu vợ tôi từ ngay hai ánh mắt mới bắt gặp nhau. Tình yêu ấy đủ mãnh liệt cho tôi vượt qua những ngoằn ngoèo của các vấn đề tâm lý, tình cảm con người. Vợ tôi hiểu thế, và trái tim bà, một ni cô hoàn thế đủ để chuyên chở khối tình ấy về với cha mẹ tôi.
Như chị Dương Nguyệt Ánh có nói, tụi mình không hận thù họ trong chiến tranh. Hai bên có hai lý tưởng khác nhau. Tụi mình đối xử hàng tù binh của họ rất nhân đạo kia mà, anh biết. Tôi không thù hận họ khi tôi bị bắt làm tù binh. Vì trong chiến tranh, khi đã cầm súng chiến đấu là chấp nhận cảnh làm tù binh. Thua một trận, làm tù binh từ trận đó không có nghĩa là mình thua cả cuộc chiến. Theo tôi, chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt. Người Việt quốc gia chúng ta bây giờ, không cần Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, hay Cục Tâm Lý Chiến trong cuộc chiến đấu mới, mà đảng Cộng Sản Việt Nam trong ba mươi bốn năm qua đã làm chuyện đó cho chúng ta.
Tôi không muốn trở về trên mảnh đất gọi là quê hương mà chẳng còn chút hương nào cả, dưới sự cầm quyền của nhà nước cộng sản Việt Nam: Dâng đất cho Tàu, những tấc đất mà tổ tiên đã gây dựng qua suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Họ bần tiện, hạ cấp, đốn mạt tàn phá Nghĩa Trang Quân Ðội, nhưng lại kêu gọi xóa bỏ hận thù. Và còn biết bao nhiêu tệ đoan xã hội mà trong thời chiến cũng chưa thấy có. Biết bao nhiêu tội ắc của những người nhân danh vô sản giành giựt tài sản của dân, đưa dân vô tội chết cho một chủ nghĩa không tưởng chỉ để đám cầm quyền và bộ hạ vinh thân phì gia. Có áp bức sẽ có đấu tranh là quy luật mà họ đặt ra rồi sẽ đánh lên chính đầu họ một ngày không xa, anh ạ.
- Tôi đồng ý với anh. Tôi ngẩng đầu biểu lộ tư tưởng của mình.
Sang đến Hoa Kỳ, Hùng học nghề để trở thành machinist. Anh làm nghề này từ năm 1994 cho đến năm 2006. Một tai nạn nhẹ ở công ty cách đây ba năm làm anh mờ mắt trái rất nhiều nên anh xin về hưu, hơn nữa cậu con trai cũng đã đi làm nên nhu cầu tài chánh không còn nặng. Nay anh chỉ làm part time công việc văn phòng cho một nha sĩ.
Chị Thanh nãy giờ vẫn đi lui đi tới nhìn máy bay lên xuống ngoài phi đạo. Anh Hùng chạy đến bên chị. Tôi đoán, anh nói nhỏ với chị rằng: Anh hết nói chuyện về em rồi. Cả hai trở lại ghế ngồi. Chị nhìn tôi cười như một cách chào của chị. Tôi vấn an:
-Chị chờ lâu có mệt không?
-Dạ không anh, cũng gần đến giờ lên máy bay rồi.. Khi nào có dịp đến Denver nhớ ghé thăm tụi này. Nhà bây giờ chỉ còn hai vợ chồng. Nếu anh đi đâu trong vùng đó đừng mướn hotel, cứ ghé tụi này ở lại.
-Dạ, cám ơn chị, nếu đến đó. Anh Hùng có cho địa chỉ. Tôi trả lời.
Chuyến bay Denver được gọi lên máy bay. Khi zone của hai vợ chồng anh Hùng được gọi, tôi kéo theo cái xách của tôi sắp hàng cùng anh chị ấy và tiếp tục nói chuyện:
- Tôi đồng y với anh, họ thối nát quá rồi, họ sẽ sụp đổ, và tôi sợ Việt Nam sẽ là biển máu giữa những người anh em cộng sản với nhau. Họ tạo hận thù nhiều quá. Tôi đóng góp ý kiến của tôi.
- Ngày đó sẽ không lâu đâu anh, rồi anh em mình sẽ về Việt Nam ăn mừng. Nếu anh có ghi lại chuyện này, email cho tôi một bản trước, như anh hứa với tôi nhé. Anh Hùng nhắc tôi.
Hùng vừa đi theo đoàn hành khách vừa nói chuyện, và tôi bước theo anh. Ðến điểm tôi không thể đi theo, tôi tách ra một bên đứng chờ:
- Chúc anh chị bình an. Tôi chào tạm biệt anh chị Hùng.
Tôi đứng nhìn họ vào cửa. Qua khỏi cửa hai người quay lại mỉm cười vẫy tay chào. Tôi vẫy lại, rồi tất cả mỗi người quay về một hướng, ngả rẽ riêng tâm tư, tình cảm của mình.
Tôi thả người xuống ghế, kéo quyển sách ra chờ thêm một giờ nữa cho chuyến đi Philadelphia của mình. Nhìn vào trang sách nhưng tâm tư tôi vẫn xoay quanh chuyện của anh chị Hùng, và câu nói của anh: “Thua một trận đánh không có nghĩa là mình thua cả cuộc chiến”. Xe tăng Việt Cộng đẩy sập cổng Dinh Ðộc Lập chỉ mới là kết quả của một trận đánh. Trận đánh cuối cùng là trận đánh giữa đảng cộng sản Việt Nam chống lại 85 triệu đồng bào và khối người Việt tị nạn khắp năm châu. Với sức mạnh tiềm tàng ấy, tôi đồng ý với anh Hùng rằng chúng ta sẽ thắng vào một ngày không xa.

Philadelphia, 26 tháng 4 năm 2009
HVT